Những trẻ em nghèo ở Tả Lùng Thắng

Gió thổi ù ù lạnh buốt, lớp học trống hoác, hơn 10 đứa trẻ ngồi túm tụm quanh hai chiếc bàn học lôi cơm trong túi ra ăn bữa trưa. Bữa ăn chỉ là cơm nguội cứng đơ, có đứa có thêm vài hạt lạc rang muối mặn…

Thấy học trò cơm không với muối lạc, cô Tuyết, thầy Cảng về phòng mang đĩa thịt, vài con cá mắm của mình sang dùng kéo cắt nhỏ chia sẻ cho học trò. Cô Tuyết ngậm ngùi: “Trò đã nghèo, thầy cô cũng chẳng dư dả gì. Vùng biên giới này người dân cho con em đến trường với phần cơm như thế cũng là may, chứ mấy năm trước các em vẫn bụng đói đến lớp”.

Tây Bắc, dịp tết đến xuân về, hình ảnh ấn tượng về vùng đất biên cương phía Bắc không hẳn chỉ có sắc thắm của hoa đào, tinh khôi của hoa mận, cái rét cắt da cắt thịt mà còn là hình ảnh những đứa trẻ co ro, tím tái trong manh áo mỏng manh…

Tết còn xa lắc…

Điểm Trường Tả Lùng Thắng (xã biên giới Pha Long, Mường Khương, Lào Cai) nằm cách đường biên Việt – Trung vài chục mét, có 34 học trò người Mông cùng ba thầy giáo. Lạnh, các học trò Tráng A Phúc, Giàng Seo Chá, Sùng Seo Xỉ, Cư Seo Chú… tay chân tím tái. Nhìn các em nhai cơm nguội ngon lành, thiếu tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên đồn Pha Long, giải thích: “Được đến trường, có túi cơm nguội để ăn các cháu cũng vui, thầy cô cũng mừng rồi. Đừng hỏi đến ngày tết làm gì, buồn lắm”.

Theo thiếu tá Mạnh, cái tết đối với học trò vùng cao không hẳn chỉ là được nghỉ học, mà còn là vui vì được ăn bữa cơm có cá, có thịt và cả mong có bộ quần áo mới ấm áp. Nhưng với đồng bào người Mông nơi biên cương cực Bắc thì những ước mơ thật giản dị của con trẻ đó lại là cả một ước muốn xa vời.
Gần 20 em trai đang đánh quay ở sân trường, nhiều em chỉ phong phanh tấm áo sơmi cũ lấm lem trong cái rét tái tê. Nhiều em vẫn “trên đông, dưới hè”, khi chỉ mặc quần cộc, quần lửng.

Thầy Đỗ Văn Cảng, phụ trách điểm trường, tâm sự: là người vùng biển Giao Thủy (Nam Định) lên dạy học ở Mường Khương cả chục năm nay, rồi lấy vợ lập nghiệp tại mảnh đất này, thầy đã quen với cái lạnh, quen với những cái tết giáo viên không tiền thưởng, không quà cáp, và càng quen với hình ảnh học trò nghèo vùng cao co ro trong cái rét, đói thịt, đói cá.

Sợ tết

Không mong đợi tết đã đành mà cô giáo Lý Thị Dung Tuyết, phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Pha Long, cho biết còn… sợ tết. Cô Tuyết thổ lộ: nghề giáo, lại ở vùng cao khó khăn, làm gì có tiền thưởng tết, làm gì có quỹ để chia cho thầy cô. Vì không có tiền, nhiều thầy cô sợ tết, bởi không đủ tiền về quê, không có quà cho người thân.

Nhớ về mấy cái tết trước, thầy Đỗ Văn Cảng tâm sự: mang tiếng bỏ xứ đi lập nghiệp nơi xa, nhưng mỗi khi tết đến cả hai vợ chồng cứ đi ra đi vào, liên tục “đấu tranh”: Về hay không về? Về nhé? Thôi ở lại vậy! Bởi đồng lương hai vợ chồng giáo viên cũng chỉ đủ nuôi hai đứa con nhỏ và chi tiêu hằng ngày. Vợ chồng thầy Cảng cũng như các thầy cô giáo vùng biên còn sợ tết đến sẽ mất học trò, bởi “học sinh ở đây cứ nghỉ lâu là ngại đến lớp, rồi khi lên lớp lại quên con chữ…”.

Theo thầy Cảng, điểm trường mở ngay tại bản để tiện cho học sinh đến trường. Vậy mà vẫn còn hơn nửa số học sinh không thể về nhà ăn trưa vì quá xa. Thành ra một tuần có bốn ngày học sinh phải học cả sáng lẫn chiều.

Buổi trưa mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, đám học trò không thể ngủ được nên bày trò chơi, hò hét, chạy nhảy để xua đi cái lạnh. Chính vì thế khi chúng tôi đến, vừa thấy bóng thiếu tá Mạnh, cô giáo Lý Thị Dung Tuyết đã nhanh nhảu “vòi vĩnh”: “May quá các anh lên đây, em định hôm nào về đồn xin mấy cái chăn cũ. Đầu mùa mà rét quá các anh ạ, gần 10 em học sinh bán trú ở đây không thể ngủ được”.
Giữa trưa, mặt trời vẫn chưa ló ra khỏi đám mây mù âm u bao phủ mảnh đất địa đầu biên giới. Trời rét căm căm, trong khi chúng tôi không rút nổi tay ra khỏi túi áo thì trên mảnh sân đất nhỏ bùn trơn trượt, đám học trò vẫn vô tư hò hét, đánh quay. Thầy Đỗ Văn Cảng lại chép miệng: “Rét thế này…” rồi bỏ lửng câu nói, mắt anh dừng lại nơi những bàn tay, bàn chân học trò tím tái…

You may also like...